Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 5, 02/05/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Làm thầy: Nghề và nghiệp 

Một năm học mới lại bắt đầu. Thời gian gần đây có không ít thầy cô giáo tỏ ra bức xúc, thậm chí cảm thấy tủi thân khi có người gọi giáo viên là "thợ dạy”.

 
Niềm vui vào năm học mới
Ảnh : Hoàng Long

 
Chữ "thợ dạy” ám chỉ tình trạng nhiều giáo viên không hoàn thành nghĩa vụ làm thầy của mình, chỉ quan tâm đến việc truyền thụ kiến thức trên lớp hết năm này sang năm khác, miễn là đúng bài bản, đúng qui định của nhà trường. Tình trạng trên tuy không phải là của tất cả các thầy cô giáo, nhưng cũng khá phổ biến và dĩ nhiên cần phải khắc phục.

 
Tuy nhiên chữ "thợ dạy” cũng phản ánh một thực tế mà nền giáo dục của chúng ta phải tính đến. Đó là ngày nay việc dạy học đã trở thành một nghề, một công việc làm ăn như nhiều công việc khác. Ngày xưa, khi Chu Văn An từ quan về mở trường dạy học, có lẽ dạy học vẫn chưa phải là nghề. Dạy học là dạy chữ, mà dạy chữ là dạy đạo. Dạy học cũng là một cách truyền đạo. Người dạy học là người truyền đạo, người làm thầy, giống như thầy tu, thầy chùa. Dạy học cũng giống như làm thuốc, chữa bệnh. Ngày xưa, chữa bệnh chưa phải là một nghề mà chỉ là một công việc cứu nhân độ thế, vì vậy "lương y” như "từ mẫu”, thầy thuốc như mẹ hiền. Đối với nhiều người làm thầy - thầy giáo, thầy thuốc, thầy tu - đó không phải là cái nghề mà là cái nghiệp. Cái nghề là cái việc mình phải làm để kiếm ăn, kiếm sống, còn cái nghiệp là cái mình buộc phải làm, trời sinh ra đã vậy, không ai khiến mà cũng vẫn làm và làm tự giác, say mê, không tính thiệt hơn, không nhằm vụ lợi.

 
Thầy cô giáo của chúng ta hiện nay đang đứng trước một khó khăn lớn - đó là sự lựa chọn giữa "thầy” và "thợ”, giữa "nghiệp” và "nghề”. Cả nước hiện nay có hơn hai mươi triệu người đi học. Tình hình này khác xa ngày xưa khi một thầy giáo chỉ dạy một vài học trò, một tỉnh chỉ có một trường tiểu học. Dạy và học đã trở thành đại trà, thành công việc của số đông. Trong hoàn cảnh ấy không phải ai có "nghiệp” làm thầy mới đi dạy, mà tất cả những ai muốn có một việc làm, muốn có một đồng lương để sống đều có thể đi dạy, làm "nghề” giáo viên. Những người làm nghề giáo viên, sau một thời gian đi dạy, do gần gũi với học sinh hoặc do tính chất công việc, có thể trở nên yêu nghề, tức là bắt đầu sống phần nào với cái "nghiệp” làm thầy, nhưng nhiều người khác có thể vẫn tiếp tục cảm thấy xa lạ, không gắn bó với công việc đang làm, sẵn sàng chuyển sang chỗ mới nếu có điều kiện, hoặc vừa đi dạy vừa kinh doanh, vừa làm những việc khác. Đó là một thực tế mà hiện nay không thể tránh khỏi và phải chấp nhận.

 
Trước thực tế ấy, giáo dục của chúng ta phải làm gì? Theo chúng tôi ở đây nếu chỉ giáo dục và động viên "lòng yêu nghề” là không đủ. Lòng yêu nghề phần nhiều mang tính chất bẩm sinh, nó như cái nghiệp của mỗi người, không dễ động viên mà có. Cái trước nhất cần phải làm là làm sao để mỗi giáo viên phải trở thành một người làm nghề giỏi, một "thợ” giỏi. Chúng tôi muốn dùng chữ "thợ” giỏi chứ không phải "thợ dạy” giỏi, bởi vì "thợ dạy” thì thường được hiểu chỉ là dạy chữ, dạy kiến thức, dạy trên lớp thôi; còn thợ giỏi hiểu ở đây là người làm nghề giỏi; mà người làm nghề giỏi thì bất cứ ngành nghề gì cũng cần. Giáo viên nếu chưa đủ điều kiện để làm "thầy” theo nghĩa xưa thì ít nhất cũng phải phấn đấu để trở thành một người "thợ” giỏi, tức là người làm nghề thành thục, chuyên nghiệp, có trình độ cao.

 
Cô và trò trường THCS Nam Hưng, huyện Tiền Hải, Thái Bình
Ảnh: Hoàng Long

 
Nhưng người "thợ”giỏi trong nhà trường khác với người thợ giỏi trong các ngành nghề khác. Cái khác chính ở đây không phải ở mức độ của sự lành nghề, của yêu cầu về tính chuyên nghiệp, mà ở sản phẩm mà người thợ làm ra. Người giáo viên không làm ra cái máy mà đào tạo nên những con người. Nhà trường là nơi dạy người, mà dạy người thì không chỉ có dạy chữ, dạy kiến thức. Vì vậy cái giỏi của người thầy cô giáo, của người "thợ” trong nhà trường không chỉ thể hiện ở việc nắm vững phương pháp và kĩ năng truyền thụ tri thức mà còn ở năng lực giáo dục, khả năng giúp học sinh hình thành nên một con người có văn hóa, có lòng nhân ái, trung thực, biết lẽ phải trái, có ý chí vươn lên. Năng lực giáo dục là một yêu cầu rất khó với thầy cô giáo. Ở đây vừa đòi hỏi những kĩ năng sư phạm trong việc giáo dục trẻ, những hiểu biết về tâm lí học sinh, vừa đòi hỏi thầy cô giáo phải thấm nhuần những triết lí giáo dục truyền thống và hiện đại, những tư tưởng nhân văn về con người. Đó là chưa nói đến cái tâm, tấm lòng yêu thương con trẻ. Không có cái tâm, lòng yêu thương ấy, dù khéo léo đến đâu, thầy giáo cũng khó cảm hóa được học trò, nhất là trong trường hợp gặp những học sinh cá biệt, trẻ không ngoan.

 
Huấn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên chính là bồi dưỡng cho họ cả hai năng lực ấy: năng lực giảng dạy và năng lực giáo dục. Thực tế ở nhà trường hiện nay cho thấy cả hai năng lực này đều chưa đáp ứng yêu cầu mong đợi, nhất là vấn đề năng lực giáo dục. Thậm chí có người còn lo ngại rằng do áp lực của thi cử, chạy theo thành tích, nhiều trường, nhiều nơi còn coi nhẹ yêu cầu này và xem đó như là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về đạo đức và lối sống ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.

 
Thế nhưng cho dù làm tốt cả hai yêu cầu trên, giáo viên cũng chỉ là người "giáo viên giỏi”, tức là người "thợ giỏi” mà thôi, trong khi sứ mạng truyền thống, vị thế mà xã hội trao cho người giáo viên, hình ảnh người giáo viên trong mắt mọi người đó không phải là người "thợ” mà là người THẦY. Chữ THẦY chứa đựng một thiên chức. Xã hội coi trọng nghề dạy học vì nó không giống như các nghề bình thường mà là một thiên chức. Vừa phải hành nghề để sống, vừa phải giữ được thiên chức quả là điều không phải dễ hiện nay, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường. Cái thiên chức ấy đã được thể hiện trong nền giáo dục Việt Nam. Ngày nay có lẽ hiếm có ai đi dạy chỉ vì thiên chức, nhưng nếu tất cả những người đi dạy cũng chỉ là người hành nghề, không còn nghĩ đến thiên chức, giống như bác sĩ chỉ khám bệnh và cho thuốc mà không biết đến y đức, thì giáo dục nước ta sẽ ra sao?

 
Đã chọn cái "nghiệp” làm THẦY là chọn một gánh nặng, một công việc khó khăn. Làm sao vẫn hành được nghề, mà vẫn giữ được thiên chức của nhà giáo, đó là nỗi băn khoăn không phải chỉ riêng của các thầy cô giáo mà của đông đảo phụ huynh và của toàn xã hội. Để giải được bài toán này, ngoài nỗ lực của chính bản thân các thầy cô giáo, chính sách của Nhà nước, trước hết là vấn đề lương bổng, là hết sức quan trọng. Xưa kia ông bà ta rất đề cao cái Đạo, trong đó có đạo làm thầy đồng thời cũng nói: "Có thực mới vực được đạo”. Điều này rất đúng với tình cảnh giáo dục nước ta hiện nay, với câu chuyện về cái nghề và cái nghiệp của thầy cô giáo hôm nay.

 
theo danviet.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển